Tel: 450 442-3292

E-mail:

[email protected]





Tác Giả





Lê Văn Phúc

Virginia



 




Bóng thời gian:

GIỜ CHÓT VỚI



VƯƠNG ĐỨC LỆ...





Tôi không ở trong giới văn nghệ sĩ mà lại quen biết khá nhiều với giới này.

Ngày tôi hai mươi tuổi - còn em thì đôi tám trăng tròn - đi lính Ngự Lâm Quân Dalat, tôi biết nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh hồi đó là sĩ quan cấp Úy, nhà văn Nhật Tiến, nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng.

Khi đổi lên vùng Banmethuot, Pleiku, Kontum thuộc Đệ Tứ Quân Khu, tôi ở cạnh nhà thơ Diện Nghị “Xác Lá Rừng Thu”, nhà thơ Linh Giang, nhạc sĩ Lê Bình “Đường Lên Sơn Cước”.

Bạn học cũ là nhà thơ Thái Anh Duy, tác giả “Ải Lạnh”, nhà thơ/nhạc sĩ/thẩm phán Huy Trâm... Khi vào trường Thủ Đức, tôi quen nhà thơ Mai Trung Tĩnh, cặp kè mí nhau cùng trung đội, tiểu đội.

Khi làm việc Nha Quân Nhu, tôi hay liên lạc với bên Tâm Lý Chiến nên được quen nhà thơ Cao Tiêu, nhà văn Văn Quang, nhà báo Phạm Huấn.

Ra khỏi quân đội, tôi làm công chức ở Ngân Hàng PTNN rồi quen với Minh Vồ, hoạ sĩ Đinh Hiển, họa sĩ Tú Duyên, hoạ sĩ Thuận Hồ, hoạ sĩ Nguyễn Trí Minh..., nhà văn Lê tất Điều, nhà thơ Song Hồ, nhạc sĩ/Tham vụ ngân hàng Nguyễn Đức Quang...

Khi bỏ nước ra đi làm thân lưu lạc, tôi buồn tình, viết “Đố chơi Để Chọc”, “Bóng thời gian”, “Tôi Làm Tôi Mất Nước” thì đây lại là “thời kỳ nở rộ” để tôi đưa bài cho nhiều báo nên sự giao du cũng có vẻ mặn mòi hơn.

Nên tôi được quen biết với nhà thơ Hà Huyền Chi, nhà thơ Cao Tần, nhà thơ Huy Lực, nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn, nhà thơ Cung Vũ, nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật, nhà văn Giao Chỉ, nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Doãn Quốc Sỹ, nhà văn Cao Thế Dung, nhà văn Nguyễn Văn Sâm, nhà văn Đặng Phùng Quân, nhà văn Thanh Nam, nhà văn Tuý Hồng, nhạc sĩ Lam Phương, nhạc sĩ Lê Dinh, nhạc sĩ Nhật Bằng, nhạc sĩ Đăng Khánh, nhạc sĩ Trần Quan Long, nhạc sĩ Việt Dũng, nghệ sĩ ngâm thơ Nguyễn Thanh...

Phiá các ca sĩ, tôi biết nhưng không quen, có đầy đủ các tên tuổi già trẻ lớn nhỏ. Tuổi nào cũng dễ thương dễ mến nhưng đôi khi cũng không mấy...dễ chịu!

Tôi xin miễn nêu tên ra đây vì trang giấy không cho phép cà kê dài dòng văn tự.

Nhưng có ít nhất là 2 người này tôi rất quý trọng: Nữ ca sĩ Nguyệt Ánh và nữ khoa học gia “Bomb Lady” Dương Nguyệt Ánh!

Khi về hưu, lên vùng “Đất tình nhân Virginia” tá túc, tôi lại quen biết với một số văn nhân thi sĩ, nghệ sĩ như thi sĩ/nhà văn Hà Bỉnh Trung, nhà văn Hoàng Hải Thủy, nhà văn Uyên Thao, nhà văn Lê Thị Nhị, nhà văn Tạ Quang Khôi, nhà văn/nhà báo Đào Trường Phúc, nhà văn/nhà thơ Ngô Vương Toại, nhà thơ Lê Thị Ý, nhà thơ Hoàng Song Liêm, nhà văn/nhà thơ/nhạc sĩ Nguyễn Đức Nam, nhạc sĩ Nguyễn Túc-Linh Phương, đôi tài tử song ca Nga Mi -Trần Lãng Minh, hoạ sĩ thư họa Vũ Hối, nhà văn/ nhà thơ/hoạ sĩ Trương Anh Thụy, giáo sư /dịch giả Nguyễn Ngọc Bích, giáo sư Phạm văn Tuấn, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, bác sĩ/nhạc sĩ Văn Sơn Trường, bác sĩ/ thi sĩ Phó Ngọc Văn, bác sĩ/nhân quyền Nguyễn Quốc Quân...

Thế thì còn nhà thơ Vương Đức Lệ, tôi quen trong trường hợp nào?

Câu chuyện nó như thế này:

Năm 2000, tôi lên vùng DC, thấy ở trên này có nguyệt san Kỷ Nguyên Mới in rất đẹp nên cậy cục để xin viết...chùa cho có tí tên tuổi. Ai ngờ lại được toà soạn ưu ái đăng ngay bài trên báo mới sướng ơi là sướng. Thế là tôi đã viết được 6 năm cho báo này rồi. Tất nhiên là...chùa cả đấy thôi! Chưa được cái kẹo nào!(Theo lời nhà văn Lê thị Nhị).

Nhưng thú vị hơn hết là gặp lại bạn tôi, tức nhà thơ Mai Trung Tĩnh. Mà Mai Trung Tĩnh lại cặp kè mí lị Vương Đức Lệ từ mấy chục năm trước ở Việt Nam, cùng dậy học, cùng viết luận đề thi Trung Học, cùng làm phát thanh, cùng làm thơ và cùng được giải Văn Học Nghệ Thuật, bộ môn Thơ của Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà, nay lại định cư tại vùng đông bắc nước Mỹ nên tôi quen Vương Đức Lệ từ đấy!

Được hân hạnh quen biết với những người tên tuổi lớn như thế, tôi cứ tưởng tượng là đứng gần họ cũng thấy cuộc đời mình nay đã lên hương...

Quả y như rằng, cuộc đời không những đãõ lên hương mà còn bốc khói!

Qua lại, quen biết với Vương Đức Lệ, lại đọc gần chục tác phẩm của nhà thơ nên tôi rất cảm phục thi tài của Vương Quân. Anh xưng Vương Quân cũng giống như văn nhân thi sĩ gọi nhau là Nguyễn Quân, Trần Quân, Lê Quân, Hà Quân...Quân gì cũng được miễn đừng gọi Cộng Quân là dứt khoát không thể chấp nhận!

Anh tên thực là Lê Đức Vượng, khi làm thơ thì đổi ngược tên thành Vương Đức Lệ cho lạ! Anh họ Lê chớ không phải họ Vương!

Điều đặc biệt là Vương Quân làm rất nhiều thơ. Thơ như hơi thở. như lẽ sống, như gắn liền với anh.

Vương Quân lại có trí nhớ rất đặc biệt. Bao nhiêu ngàn bài thơ viết ra, đựng trong bao tải đã bị Cộng Sản thủ tiêu mất sạch.

Hồi ở Việt Nam, anh học luật khoa, văn khoa, dậy học, viết sách giáo khoa, Quản Đốc đài phát thanh Long An. Trong một trận pháo kích vào tỉnh, anh bị thương, hư mắt bên phải.

Dưới thời Cộng sản, anh hoạt động chính trị với nhóm của anh Đoàn Viết Hoạt nên đã bị Cộng Sản kết án 5 năm tù.

Qua Mỹ năm 2000, anh tiếp tục làm thơ, làm báo, in sách, tham gia những chương trình văn học nghệ thuật, viết bình luận cho đài phát thanh Saigon-Houston. Anh có thái độ sống rất thoải mái, chấp nhận cuộc đời, không mơ uớc xa xôi, không màng danh lợi, tri túc tiện túc...

Anh cho in 3 tập thơ, mỗi tập gồm dăm trăm bài, gọi là “Mấy vần thơ còn sót lại trong trí nhớ”!!! Đó chỉ là “Mấy vần thơ” thôi, chứ “đầy đủ” thì không biết là bao nhiêu tập?

Nhà văn Uyên Thao, chủ trương “Tủ Sách Tiếng Quê Hương” có nhận xét về Vương Đứùc Lệ như sau trong bài nói chuyện về Thơ Vương Đức Lệ tại Đại Học George Mason, VA năm 2001:

“Vương Đúc Lệ sống trong lúc làm thơ và làm thơ để sống, trong khi hướng sống của anh gắn bó không rời với tình cảm thương yêu sẵn có nơi con người từ cả ngàn đời trước. Vương Đức Lệ không chỉ có mặt trong thiên đường riêng của Nguyễn Bính hay Vũ Hoàng Chương mà có mặt ở khắp nơi... Chính vì thế, thơ Vương Đức Lệ đã hợp thành bức tranh đời khơi dậy không ít ưu tư nơi người đọc. Bởi, những bài thơ đó chính là cuộc sống của con người Việt Nam bị buộc phải gánh chịu thân phận nạn nhân trong giai đoạn lịch sử suy vong của đất nước mình...”

Vương Quân có thể làm thơ bất cứ lúc nào, hầu như mỗi ngày đều có thơ.

Anh thích viết những bài thơ ngắn, như những ý nghĩ vụn vặt, những suy tư về cuộc đời, những thăng trầm của kiếp gian truân, lưu đầy, biệt xứ .

Mỗi bài thơ là một lời tâm sự không biết tỏ cùng ai; mỗi bài thơ là một gửi gấm đến người đồng điệu về tình người thời tao loạn.

Tôi rất thích đọc những vần thơ ấy dưới nhiềøu thể loại khác nhau qua ngòi bút và tâm tư của tác giả. Nên sau loạt bài viết về thơ Mai TrungTĩnh, tôi đã có loạt bài viết về thơ Vương Đức Lệ.

Tôi yêu nhiều bài, với ý tưởûng thật nhỏ, thật vụn mà lại chứa đựng cả một bầu trời tâm sự trăng sao.

Xin cùng nghe Vương Đức Lệ nhớ người yêu:

Qua cửa nhà em chiều lại chiều
Tường đông ong bướm cũng về theo
Nhà em kín cổng, cao tường quá
Anh muốn làm giây hoa tím leo... (Tường đông) Hà Nội 1952

Nhà thơ nghĩ gì về cái nghiệp làm thơ?

Thất nghiệp còn đeo cái nghiệp thơ
Ra vào ngẩn ngẩn lại ngơ ngơ
Bằng bằng, trắc trắc Nôm cùng Hán
Thơ chứa chan và thơ chán chưa! (Nghiệp dĩ)

Nhà thơ nghĩ gì về “thiên đàng, địa ngục”?

Thiên đàng trong lòng ta
Địa ngục trong lòng ta
Chính ta cầm chìa khoá
Đóng vào và mở ra.

Nhà thơ nghĩ gì về triết lý cuộc đời?

Nằm giữa con số không
Là khoảng không vốn có
Khoảng không dù rất nhỏ
Đủ chứa đầy mênh mông. (Số không)

Nhà thơ nghĩ về cuộc đời trong bài “Tuổi trời”:

Bẩy chục rồi ư? Tớ cũng ừ!
Sáu mươi tuổi thọ, tớ còn dư
Tuổi nguời chín chục, e chừng thiếu
Mộng những vuông tròn tuổi lão ô!

Nhà thơ nghĩ về 4 phép tính, như trách móc người yêu sớm vội qua cầu:

Sao em mải cộng, mải trừ
Chẳng nhân lên đủ đền bù cho tôi
Tình em xẻ gối trao người
Phép chia chửa học, hỏi lời lãi chi? (Bốn phép tính sơ đẳng)

Đây là ý tình của nhà thơ vương theo tà áo lụa, như phảng phất lời thơ Phạm Thiên Thư:

Chiều bay hay áo em bay?
Hồn tôi còn ngát hương ngây lụa là
Nắng hồng soi nửa mặt hoa
Bâng khuâng mở khép đôi tà áo xưa. (Áo bay)

Đây cũng là tình ý của một gã si tình:

Đọc “Thơ tình” một ni cô
Lòng tôi bỗng ngẩn, bỗng ngơ mất rồi
Mai đây chuyển kiếp luân hồi
Cửa chùa tôi đứng đợi người xuất gia! (Đợi người xuất gia)

Nhà thơ cũng có lối đưa tình khác người, là gửi mộng, nhắn lời trong mấy vần thơ, nửa như gọi mời, nửa như trách móc trong bài “Chớ để hoa tàn”:

Chớ để hoa tàn rồi mới hái
Hoa tàn nào có sắc, hương thơm?
Sao em nỡ uổng đời con gái
Một thoáng xuân qua, một thoáng buồn.

Bàn về tình yêu, Vương Quân cũng có những ý nghĩ rất sinh động, tươi mát, đáng yêu. Xin mời đọc “Yêu”:

Là thiếu nữ, cô nào cũng đẹp
Thành đàn bà, cũng thật dễ thương!
Ngây mắt ngó, cửa hồn ta chẳng khép
Chợt yêu em, bỗng thấy cả thiên đường.

Là thiếu nữ, cô nào chẳng đẹp
Thành đàn bà, ai chẳng dễ thương?
Dẫu mảnh trăng non cũng bảo trăng tròn chẳng khuyết
Mảnh trăng già cũng là nguyệt khai hoa.

Là thiếu nữ, có cô nào chẳng đẹp?
Thành đàn bà, em quả thật dễ thương
Bởi đã yêu, chẳng còn chi để ghét
Bởi đã yêu, địa ngục hoá thiên đường.

Là thiếu nữ, em chớ buồn chẳng đẹp
Thành đàn bà, em đừng ngại khó thương
Yêu là thế, là cán cân đã lệch
Là muôn hoa, cũng chỉ một đóa hồng
Bao thiếu nữ, bao đàn bà đều đẹp
Trong mắt người tình, được hoá phép thần thông.

Đó là khi ca tụng tình yêu. Còn khi được yêu rồi thì nhà thơ lại bỡn cợt phụ nữ trong mấy vần thơ nhẹ nhàng này trong bài “Hồn nhiên”:

Đàn bà nói có là không
Nói đen là trắng, nói hồng là xanh
Bao giờ em nói dùm anh:
Xanh thành xanh biếc, đỏ thành đỏ tươi?
Hồn nhiên em vỡ tiếng cười... (Virginia 2001)

Đối với người thường như chúng ta, mỗi độ xuân về là một dịp để ca ngợi tình xuân, ý xuân, hương xuân, dáng xuân tươi hồng xinh đẹp. Nhưng với nhà thơ Vương Đức Lệ thì anh lại nhìn xuân, đón xuân bằng con tim cô đơn, bằng nỗi buồn hiu quạnh. Xin cùng nghe nhà thơ tâm sự:

Bước lần qua ngưỡng cửa năm
Bâng khuâng mai nở, mừng xuân đã về
Mơ vàng khép giấc ngủ khuya
Xuân thầm những tưởng ai chia nỗi buồn
Bình hoa mấy đoá hoa hồng
Trong ta vẫn một cõi lòng quạnh hiu
Xuân thầm, hồn đã xanh rêu
Lời kia ai hát giấc yêu còn nồng?
Mai vàng mấy cánh bên song
Xuân ngoài đã tỏ buồn trong giãi bày
Hững hờ tóc trắng ta bay
Xuân thầm qua ngưỡng cửa này đêm qua. (Xuân thầm)

Vương Đức Lệ ghi lại nhiều kỷ niệm ngày qua, nhưng đáng nhớ nhất là những kỷ niệm về người mẹ thân yêu đã khuất.

Nếu hỏi tôi trong mấy tập thơ của Vương Đức Lệ, tôi thích bài nào nhất thì tôi chọn bài “Nhớ Mẹ Ta Xưa” là bài đã gây cho tôi nhiều xúc động nhất.

Tôi yêu bài thơ này không chỉ vì nói về Mẹ mà còn vì những bóng dáng làng thôn xưa cũ, vì những tình ý đậm đà, vì những lời thơ thắm thiết, vì những cách dùng chữ thật tài tình, vì những hình ảnh rất thân thương. Bài thơ như một bức tranh quê rất gần gũi với chúng ta, gắn bó tình mẹ con, tình nghèo nơi đồng chua nước mặn.

Xin mời cùng nghe Vương Đức Lệ trong “Nhớ Mẹ Ta Xưa”:

Cánh tay mướp vươn dài bờ giậu
Mẹ nhìn ra luống cải vàng hoe
Con dõi mắt tìm ong, bướm đậu
Tóc mẹ thơm hương bưởi bên hè...

Thương cái cò lặn lội bờ sông
Mẹ về chợ cái tôm, cái tép
Ấm mái tranh xưa chiều hôm khói bếp
Bữa cơm nào, cơm gạo mới đưa hương...

Ánh lửa hồng reo vui nồi cám lợn
Vườn sau xanh, lấm tấm dấu chân gà
Trên cành trĩu, trái na vừa mở mắt
Lời ca dao mẹ hát buổi trưa xa...

Đồng chân chiêm những mùa nước nổi
Ôi thân cò, tơi lá mẹ đầm mưa
Chân bấm đất thành chai, trời xẩm tối
Mẹ về rồi hay mẹ chửa về ư?..

Ruộng nắng gắt tháng Tư, tháng Sáu
Nắng xiên khoai, nắng nổi cá cờ
Mẹ vẫn đó, cái cò, cái vạc
Khóm tre già cót két tiếng quê xưa...

Khu vườn nhỏ đất cần tay mẹ bới
Luống ngô già héo hắt, mấy vồng khoai
Vũng ao nhỏ, đôi chân dò dẫm lội
Cầu chênh vênh bóng tối nhá nhem rồi...

Ôi nhớ quá nhũng ngày đông tháng giá
Gío căm căm buốt cóng thịt xương người
Đêm mẹ thức chăn đùm, áo vá
Áo cũ ngươi nhưng áo mới con vui...

Như mẹ gà xoè cánh ủ đàn con
Dáo dác trông lên loài ác điểu
Ta sống lại cả một thời niên thiếu
Mẹ ta kìa, chân đất, áo nâu non...

Ôm nỗi nhớ cả một đời khốn khổ
Chưa một lần làm mẹ ta vui
Từ thuở xa quê, về ở chợ
Biết bao lần ta đón mộng xuân tươi?

Ngày tháng ấy đã đi làm quá khứ
Mẹ đã xa trên xứ lạ, quê người
Ta còn lại mình ta và nỗi nhớ
Đêm nghẹn ngào u uất thuở nào nguôi? (Saigon 1986)

Khi sang định cư tại vùng đông bắc Hoa Kỳ, những người gần gũi với Vương Đức Lệ, ngoài gia đình, họ hàng thì mấy người bạn thân thiết nhất là nhà văn Uyên Thao và nhà thơ Hoàng Song Liêm. Hai người bạn này thường làm tài xế chở Vương Quân đi ăn Phở Xe Lửa, đi hội hè đình đám. Có món ăn nào làm ở nhà hay mua ngoài tiệm, họ cũng đem lại cho Vương Quân cũng thưởng thức. Lâu lâu, nhà thơ Hoàng Song Liêm lại qui tụ mấy anh em đến nhà ăn trưa, uống rượu, đấu hót tưng bừng. Hoạ hoằn mới được pi-lốt Hoàng Nuôi cho một nồi giả cầy trứ danh để vui đời nghệ sĩ! Ăn xong là nhớ đời!

Những buổi họp ấy, tôi đều được tham dự. Vương Quân vốùn ít nói nên chỉ chén tạc chén thù với anh em, ai làm sao thì anh làm vậy!

Năm ngoái, sức khoẻ của Vương Quân sa sút, khám bệnh thì vỡ lẽ ra là anh bị ung thu phổi. Dù được bác sĩ Đỗ Thiệu tận tình chữa trị và nhà thương săn sóc chu đáo, căn bệnh hiểm nghèo như có chiều hướng xuôi dòng.

Trên nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, bạn đọc đã nghe Vương Quân to nhỏ chuyện mình mỗi kỳ báo. Có khi anh kể chuyện nhà thương, có khi tường trình về bệnh trạng, có khi cho biết diễn tiến cuộc đời, có khi làm thơ tiễn biệt.

Đôi khi, tôi phôn tới nhà rủ anh đi ăn sáng thì anh từ chối vì đau yếu. Có lần may mắn gọi thì anh nhận lời, cùng đi ăn ở tiệm phở gầøn nhà. Anh tháo bỏ ống dưỡng khí, lên xe đến tiệm, gọi một tô phở tái nạm gầu ròn và một ly cà phê sữa đá. Ăn xong, anh nói phải về sớm vì cần ống dưỡng khí. Thấy anh ăn uống ngon lành, tôi cũng mừng.

Hôm Thứ sáu, 18 tháng Giêng tôi ghé lại thăm Vương quân. Anh nằm trên giuờng bệnh do nhà thương cung cấp, kê ngay ở phòng khách.

Gặp tôi, anh nói:

- Cai vẫn hồng hào, khỏe mạnh...

Tôi cười:

- Trông vậy thôi, được lúc nào hay lúc ấy! Chứ tới lượt là đi luôn à!

Tôi hỏi:

- Anh thấy dễ chịu không?

Anh đáp:

- Giai đoạn chót!

Vương Quân sutù hẳn đi, nằm ép trong giường vải trắng. Vài thứ ống luồn vào người.

Anh nằm yên nghe mọi người nói chuyện, thỉnh thoảng chớp mắt, gật đầu. Người nói nhiều nhất vẫn là tôi. Tôi nói chuyện vui chuyến về thăm Texas hồi đầu tháng, chuyện văn nghệ văn gừng Asia - Paris By Night, chuyện mấy bà mấy cô đi sóp-pinh để mấy ông chồng chờ dài người ở trong Mall, chuyện ông bạn tôi trông cháu, ông ngủ khoèo để cháu bò ra vườn, bị con nó mắng. Nhân có cô y tá Mỹ đến săn sóc cho bạn tôi hàng ngày, tôi bắt sang chuyện khác. Tôi hỏi cô y tá:

- Cô đến đây hàng ngày, cô có biết bệnh nhân này là ai không?

Cô y tá lắc đầu. Tôi nói:

- Người này là một nhà thơ nổi tiếng của Việt nam, được giải thưởng lớn về bộ môn Thơ. Nói đến tên người này, hầu hết những người trung niên trở lên đều biết.

Để chứng minh một cách hùng hồn, tôi lấy trong ngăn kệ một tập thơ tình của Vương Đức Lệ, đưa cho cô y tá coi. Bà vợ của Vương Đức Lệ cũng tiện thể rút ra hai tập thơ nữa.

Cô y tá tỏ vui vẻ, cầm mấy tập thơ ngắm nghiá rồi trả lại.

Nhà thơ nói:

- Cho cô ấy 3 tập thơ!

Cả nhà đều ngạc nhiên. Cô y tá được nhà thơ tặng 3 cuốn thơ thì tròn đôi mắt, cười tươi như hoa, cúi hôn lên trán nhà thơ, nắm tay Vương Quân vuốt vuốt ra chiều cảm động và hân hạnh quá sức.

Lát sau, cô y tá xong việc ra xe thì cũng là lúc tôi ca khúc tạ từ để trở về mái nhà xưa.

Nhưng chỉ sau 2 ngày, tin buồn đã ập tới: Chiều chủ nhật, 20 tháng Giêng, anh Uyên Thao gửi e-mail cho bạn bè, báo tin là Vương Đức Lệ đã qua đời lúc 1giờ 50.

Tôi lặng người đi, đâu có ngờ rằng lần nắm tay Vương Đức Lệ nói lời tạm biệt lại là lời vĩnh biệt...

Anh ra đi ở tuổi 71, để lại vợ và con gái Quỳnh Dao...

Ai cũng biết cõi trần gian là cõi tạm, cõi buồn. Sinh thời, Vương Đức Lệ đã cảm nhận được những nét buồn vui ấy nên anh đã có nhiều bài thơ nói về cảm nghĩ đó. Anh chấp nhận lẽ tuần hoàn, sinh lão bệnh tử.

Anh viết trong bài “Vô đề”:

Ta sẽ về theo dấu bụi hồng
Em chờ, biết có gặp nhau không?
Vầng trăng thái cổ sầu vô cớ
Dõi bóng riêng ta vẫn lạnh lùng!
Và anh nghĩ gì về “Cái chết”?
Chết ư? Khép kín một chu trình
Sinh hoá không ngoài lẽ hoá sinh
Tiếng khóc ôm đầu ai thét đó?
Ai lần chuỗi hạt niệm chân kinh?

Trong những tháng ngày gần đây nhất, Vương Đức Lệ thấy mình đã gần gũi với cõi tử sinh nên anh viết “Mai này mốt nọ”:

Mai này mốt nọ không về nữa
Dáng cũ ai tìm em lối xưa?
Nồng nàn con mắt tình đưa
Ngọt ngào câu hát người ru ngậm ngùi.

Này là của riêng tôi thôi nôi ngày đã dựng
Bàn tay nào đóng cửa sắc không?
Dòng thời gian ngược, xuôi cháy bỏng
Từ lâu rồi trăng mộng đã lâm chung.

Rồi tiếp theo là “Bàn tay vuốt mắt”:

Bàn tay nào vuốt mắt tôi
Ngón nào bấm nút châm mồi hoả thiêu?
Trăm năm mộng ước còn nhiều
Trần gian hồ dễ đủ điều nỉ non?
Tử sinh nẻo thuộc, đường mòn
Âm dương đôi ngả vuông tròn đó thôi!
Bàn tay nào vuốt mắt tôi
Và chân ai bước ngậm ngùi tiễn đưa?
Thành phố lạ, căn nhà xưa
Ngày nắng sáng hay chiều mưa tối trời?
Đời mai hờ hững cơn vui
Bức chân dung bỗng gượng cười với ai? (Virginia 05/2007)

Bài thơ trên, tác giả viết sau 1 năm vào bệnh viện.

Khi nằm trong bệnh viện, bác sĩ Mỹ đến thăm, hỏi anh có mấy con?

Anh đáp bằng tiếng Mỹ:

- One life, one wife, one child, one God!

Bác sĩ cười vui, bảo rằng ông ấy cũng phải ghi chép lại câu nói đầy ý nghĩa cao đẹp này của Vương Quân.

Và sau cùng là mấy lời ai điếu của Vương Đức Lệ viết riêng cho chính mình, ”Phút cuối riêng tư”:

Bàn tay nào vuốt mắt tôi đây?
Bàn tay nào lôi tôi tỉnh dậy?
Một sát na nào tôi không ở đấy
Một sát na nào tôi ở chân mây... (Riêng tặng linh hồn và thể xác tôi.) Virginia 06-2007

Vương Đức Lệ đã ra đi về miền an lạc, nơi có người bạn cố tri Mai Trung Tĩnh đang chờ đợi dưới gốc mai trong rừng thu yên tĩnh. Bạn sẽ gặp lại những khuôn mặt thân thương ngày cũ trong giới văn thơ: Dương Hùng Cường, Duyên Anh, Phạm Huấn, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Kim Tuấn, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Tất Nhiên...và còn nhiều khuôn mặt quen thuộc khác nữa!

Thế là từ nay tôi lại mất thêm một người bạn chân thành, một nhà thơ đa tình đa cảm.

Và trong văn chương Việt Nam, chúng ta vừa mất đi một viên ngọc quý!



Khóc
VƯƠNG ĐỨC LỆ


Ôi người bạn trẻ năm nào
Những câu lục bát viết sao não nùng
Sang đây dù có lạnh lùng
Vẫn không điệp điệp trùng trùng gió thu
Những năm đầy đọa ngục tù
Câu thơ lục bát cho dù xanh xao
Người về đầu vẫn ngửng cao
Gặp nhau tưởng giấc chiêm bao lại cười
Nghĩ thôi ngắn ngủi cuộc đời
Tôi còn đây để khóc người nữa ư !
Gặp nhau ngỡ lúc di cư
Ngỡ còn gần gũi đâu từ quê hương.

Hà Thượng Nhân





(Virginia, tháng Giêng 2008)



Mục Lục | Liên Lạc

 


Free Web Template Provided by A Free Web Template.com